Robot phẫu thuật mắt – Bước đột phá trong phẫu thuật tắc tĩnh mạch võng mạc

Trên thế giới có trên 16 triệu người bị tắc tĩnh mạch võng mạc, riêng tại Bỉ có khoảng 25.000 bệnh nhân. Nguyên nhân chính gây ra bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc là việc xuất hiện khối máu đông gây tắc nghẽn tĩnh mạch trên võng mạc khiến thị lực bị suy giảm. Hiện nay, bác sĩ mới chỉ có thể kìm hãm tác động có hại của bệnh chứ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn cho người bệnh bởi rất khó có thể lấy được khối huyết ra khỏi tĩnh mạch cũng như không thể làm nó tự mất đi được.

Các bác sĩ của bệnh viện đại học Leuven cùng với các chuyên gia công nghệ robot của Trường Đại học KU Leuven của Bỉ đã đề xuất một phương pháp mới để giải quyết căn bệnh này, được gọi tắt là RVC. Nội dung chính của RVC là sử dụng một cây kim siêu nhỏ luồn vào tĩnh mạch võng mạc để tiêm thuốc tan máu vào khối huyết gây tắc tĩnh mạch. Đây là một phương pháp mang tính cách mạng, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội được chữa lành tận gốc với người bệnh.

Khó khăn chính của việc thiết kế robot tiêm tĩnh mạch là tĩnh mạch giác mạc thường rất bé, độ lớn chỉ vào khoảng 100μm và phải giữ cây kim cố định trong khoảng 10 phút để tiêm thuốc. Chỉ cần 1 sự rung động nhỏ cũng có thể làm vỡ tĩnh mạch hoặc hỏng giác mạc. Chính vì các khó khăn này mà các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thế giới cũng phải cân nhắc rất nhiều trước khi trực tiếp thực hiện phẫu thuật.

Để khắc phục những hạn chế trên, các kỹ sư của Khoa Cơ Khí thuộc Trường Đại học KU Leuven đã chế tạo một con robot có khả năng thực hiện công việc này một cách chính xác và ổn định. Nhờ khả năng giữ cố định tuyệt vời của kim tiêm (đường kính 30 μm) có thể luồn vào tĩnh mạch một cách an toàn mà không làm vỡ tĩnh mạch.

Sau 7 năm nghiên cứu và chế tạo, robot này đã được thử nghiệm lần đầu vào ngày 12/01/2017 trên các bệnh nhân của bệnh viện đại học Leuven. Những ca phẫu thuật đầu tiên này đã thành công và các bệnh nhân có thể thực hiện các thao tác phục hồi mắt ngay sau đó.

Giáo sư Peter Stalmans – bác sĩ phẫu thuật mắt của bệnh viện Đại học Leuven chia sẻ: Chi phí để điều trị tắc nghẽn tĩnh mạch thường rất cao, với một bên mắt đã vào khoảng 32000€. Bên cạnh việc chi phí rất cao, số lượng người bệnh cũng còn rất hạn chế do lo ngại về các tác hại có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, con robot này không chỉ đem đến cơ hội phẫu thuật mắt với chi phí rẻ hơn mà còn cho phép bác sĩ chữa trị tận gốc căn bệnh để mang lại ánh sáng cho người bệnh.

Họ cũng sẽ tiếp tục phát triển nó để tăng khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp khác trong quá trình phẫu thuật nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng phẫu thuật mắt”.

Được biết nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thương mại hóa sản phẩm để sớm đưa robot ra thị trường thế giới.

Nguồn: Theo Tạp chí Tự động hoá ngày nay số 193